Làm báo mực mài nước mắt: Hơi thở ngành giáo dục
Nhà báo Lê Khắc Hoan tại buổi ra mắt sách. Ông cũng là tác giả của truyện dài Mái trường thân yêu từng được xem là một trong những tác phẩm cảm động nhất về tình thầy trò - Ảnh: L.Điền
Gắn bó với công việc làm báo trong ngành giáo dục từ 1966 đến nay, nhà báo, nhà giáo Lê Khắc Hoan tự nhận mình đã học suốt thời gian chẵn 50 năm ấy.
Và đến nay, tập sách Làm báo mực mài nước mắt được ông xem như bài tập của chính mình trình lên bạn đọc - những giám khảo đầu tiên và quan trọng nhất.
Đó cũng chỉ là một cách nói, bởi cái “bài tập” hơn 400 trang này chứa đựng thật nhiều câu chuyện cả tráng, bi, hài trong làng báo giáo dục, mà tác giả là chứng nhân trong suốt 50 năm.
Đằng sau cách kể chuyện nhẩn nha theo kiểu tâm tình, bạn đọc hẳn sẽ bị lôi cuốn bởi hàng loạt câu chuyện thú vị diễn tiến theo lịch sử ngành giáo dục Việt Nam thông qua góc nhìn của “báo ngành”.
Không những thế, trong nửa thế kỷ làm báo giáo dục, Lê Khắc Hoan đem vào tập sách của mình rất nhiều chân dung nhân vật. Những câu chuyện đan xen, những chân dung nhà báo và nhà giáo mang theo câu chuyện cuộc đời, câu chuyện làm nghề xuyên qua nhiều thế hệ… là nội dung độc đáo của tập sách này.
Nếu không có những “người trong cuộc” như nhà báo Lê Khắc Hoan kể lại, hẳn không mấy người biết trong thời chiến tranh, các nhà báo giáo dục đã đi thực tế khốc liệt như thế nào. Như câu chuyện ông Tô Văn Của cử nhà báo Dương Đình Hy “chui vào cái thùng xe cắm đầy lá ngụy trang của một đoàn xe quân đội và nằm suốt ba tháng trong bom đan khu Tư khốc liệt, về viết một loạt bài đăng liên tục trên báo Người giáo viên nhân dân”.
Hay như trong chiến tranh biên giới phía bắc, cả Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh - tác giả của thiên ký sự Thầy giáo của những học sinh giỏi toán - đã suýt chết vì đạn pháo Trung Quốc trong một lần đi thực tế ở biên giới Móng Cái.
Có mặt trong buổi ra mắt sách sáng 20-6, ông Đỗ Quốc Anh nhắc lại kỷ niệm hú vía lần ấy được ông viết thành bài ký sự và Lê Khắc Hoan dẫn lại trong tập sách này: “Tất cả vừa lăn xuống đoạn đường hào bên đường thì một quả đạn pháo nổ sát xe, xé rách toang bạt. Đỗ Quốc Anh xanh mặt, nhặt đưa trưởng đoàn Văn Trí (tức Lê Khắc Hoan) một mảnh đạn pháo vừa cắm phập cách chân chưa đầy một gang. Sau này mới biết, chỗ xe bị bắn cách biên giới gần 1 km”.
Và còn rất nhiều câu chuyện hay ho khác mang hơi thở của ngành giáo dục ở nhiều chiều kích khác mà bạn đọc các thế hệ sau có thể xem như là những sử liệu của một thời.
Quyển sách được phát hành độc quyền tại Tiki.vn.
Hai tập sách mới nhất của nhà báo viết về nghề báo - Ảnh: L.Điền
Nhà báo Ngọc Trân ra sách Đường vào phóng sự điều tra
Trong dòng sách mới nhân ngày Báo chí năm nay, quyển Đường vào phóng sự điều tracủa nhà báo Ngọc Trân là tập “cẩm nang” cần thiết với những ai có ý định chọn lĩnh vực điều tra cho sự nghiệp viết báo của mình.
Thực tế công việc làm phóng sự điều tra luôn rộng dài và tế nhị hơn mọi loại lý thuyết trong các trang giáo trình, nhưng những gì trình bày trong tập Đường vào phóng sự điều tra lại có tác dụng như thể đây là lời dặn dò của một người đi trước, thông qua kinh nghiệm thực tế có cập nhật với tình hình mới. Rằng hãy cẩn thận với nguồn tin, tìm tài liệu và chứng cứ như thế nào, khai thác mạng xã hội sao cho đúng cách, nhìn thấy đề tài ở đâu… là những điều căn cốt thực sự bổ ích cho những ai muốn đeo đuổi công việc làm phóng sự điều tra nghiêm túc trong bối cảnh truyền thông nhiều nhiễu loạn như hiện nay.
Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.
LAM ĐIỀN